Liên quan các giấy tờ, trong đó có bằng tiến sĩ luật được xác định là giả, người tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc” muốn xin lại “để làm kỉ niệm”. Đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo này từ 5-7 năm tù.

Ngày 6/8, TAND huyện Củ Chi, TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Phúc (tên thường gọi “sư thầy Thích Tâm Phúc”, 41 tuổi) về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Viện KSND huyện Củ Chi, TPHCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc 2-3 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3-4 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tổng hợp hình phạt chung từ 5-7 năm tù.

Thích Minh Phúc.jpg
Bị cáo Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc” tại phiên tòa sáng 6/8. Ảnh: Q.T

Đại diện VKS đánh giá hành vi của bị cáo ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang tâm lý người dân, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác nên cần có mức án nghiêm nhằm răn đe.

Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; nhân thân tốt, gia đình bị cáo nộp 70 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phúc mong muốn HĐXX khoan hồng để sớm trở về với gia đình.

Trước đó, trả lời thẩm vấn, Phúc thừa nhận hành vi phạm tội. “Bà T. (bị hại), được người khác dẫn đến “chùa” nhờ làm giấy tờ chứ trước đó không quen biết. Bị cáo đưa ra mức chi phí là 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu”, Phúc khai.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc tại sao không có khả năng làm thủ tục tách thửa đất, không quen biết ai có thể làm mà vẫn nhận lời bị hại. Phúc trình bày, do thấy bị hại khóc, thương quá nên làm giúp.

Về việc thuê người làm giả giấy tờ lừa bà T., Phúc khai lên mạng thấy dịch vụ làm giấy tờ đất đai nên liên hệ nhờ làm chứ không biết những người này làm giả. “Bị cáo tin tưởng trên mạng, cái gì bị cáo cũng tìm trên mạng nên nghĩ là đúng nên mới nhờ”, Phúc nói thêm.

Liên quan các giấy tờ được cơ quan điều tra giám định là giả. Nguyễn Minh Phúc cho biết, không khiếu nại, song, bị cáo muốn xin lại các giấy tờ này “để làm kỉ niệm”.

Theo cáo trạng, quá trình điều tra, Phúc giao nộp thêm 1 giấy chứng nhận tăng ni, thể danh: Thích Tâm Phúc; 1 bằng thạc sĩ Luật kinh tế và 1 bằng tiến sĩ ngành Luật tôn giáo; 1 giấy chứng nhận điệp thọ… Theo kết luận giám định các giấy chứng nhận này đều là giả.

Bài khác