Mới đây, công an tỉnh Bắc Giang đã thông tin về vụ cháy nhà dân làm 3 người mất ở tỉnh này. Cụ thể, ngôi nhà 2 tầng tại số nhà 43, đường Hoàng Hoa Thám, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang do chị Đ.T.H. làm chủ hộ bốc cháy lúc rạng sáng.
Khoảng 3h41 ngày 16/6, lửa bùng lên tại khu vực để xe đạp điện tầng 1 ngôi nhà 2 tầng với diện tích 50m2/sàn. Trong phòng chứa nhiều vật liệu dễ cháy như giường tủ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt… khiến lửa lan nhanh, sinh ra nhiều khói, khí độc.
Đến 3h49, nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Bắc Giang đã huy động 3 xe chữa cháy cùng 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập tắt đám cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến đám cháy vào khoảng 3h56. Sau khoảng 15 phút đám cháy đã được khống chế và được dập tắt hoàn toàn vào 4h30 cùng ngày.
Vụ cháy làm 3 người mất, trong đó có một nạn nhân mới chỉ 8 t.uổi. Đồng thời thiêu rụi 1 xe máy, 1 máy giặt cùng nhiều đồ đạc sinh hoạt gia đình tại tầng 1 của ngôi nhà. Lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Trước đó, cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các chuyên gia cũng từng cảnh báo về sự nguy hiểm của các thiết bị pin xe điện khi không may xảy ra cháy nổ.
Chia sẻ trên báo Sức Khỏe Và Đời Sống, Ông Nguyễn Huy Công, chuyên gia nghiên cứu về chất chữa cháy, Công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí Sông Lam cho biết, khi cháy, pin xe điện có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ cao đến 600-700 độ C. Loại bột chữa cháy để làm loãng nồng độ oxy để dập tắt đám cháy thường không có tác dụng trong trường hợp này. Bình CO2 phun vào để làm lạnh, mục đích dập tắt đám cháy nhưng độ lạnh này là không đủ để dập tắt đám cháy.
Đám cháy của xe điện không cần oxy mà là cháy xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong pin xe điện. Thậm chí nếu dùng nước để chữa cháy, nước gặp nhiệt độ cao sản sinh ra Hydro gây nổ, rất nguy hiểm. Hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin xe điện và xe điện.
Về việc xử lý khi cháy xe điện, Các chuyên gia cho biết, trong các vụ cháy nổ liên quan tới pin xe điện, chỉ có những loại bình chữa cháy gốc nước sở hữu công nghệ bọc phân tử mới dập tắt ngọn lửa của pin xe điện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là những loại bình hoàn toàn chưa phổ biến bởi vì giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với các loại bình chuyên dụng.
Bởi vì các loại bình chữa cháy gốc nước hoàn toàn không phổ biến, nên các đám cháy từ pin xe điện thực tế sẽ hoàn toàn ‘vô phương cứu chữa’. Trong việc sản xuất và nhập khẩu pin xe điện tại nước ta, vẫn chưa xuất hiện tiêu chuẩn an toàn cháy nổ nào khiến người sử dụng có thể gặp rủi ro cao trong quá trình vận hành của xe điện.
Khi thấy xe điện bị cháy, đừng cố sử dụng nước, bình cứu hỏa hay chăn thông thường để dập tắt ngọn lửa. Bởi những cách này chỉ khiến pin phát nổ, bắt lửa lớn hơn. Do không có cách dập tắt nguồn cháy là các hóa chất bên trong ắc quy điện, nên ở một số nước đã dùng chăn chống lửa để trùm lên xe nhằm chặn nguồn oxy không cho lửa tiếp cận và lan ra nhanh hơn. Khi thấy xe điện bị cháy nếu không có chăn chống lửa, hãy gọi cho cứu hỏa và nhanh chóng truy hô người dân chạy thoát để tránh bị bỏng và ngạt khí độc.
Để tránh cháy nổ pin, người dân nên lưu ý và cẩn trọng trong quá trình sạc pin cho xe điện. Tuyệt đối phải cắm sạc ở vị trí có người trông coi, không sạc pin qua đêm và không dùng những phụ kiện sạc trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Người dùng cần rất thận trọng khi sử dụng xe điện, đặc biệt sạc pin xe điện. Mua sắm xe điện chính hãng, đầy đủ chứng chỉ an toàn, nguồn gốc. Khi thay thế pin cần lựa chọn loại chính hãng, chất lượng cao.
Không sạc pin trong thời gian quá lâu hoặc quá mức cho phép. Không để pin xe điện tiếp với nguồn nhiệt cao trong thời gian dài. Trong trường hợp va chạm té ngã cần mang đi kiểm tra về phần pin. Tiến hành kiểm tra bảo trì pin định kỳ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.