Theo lãnh đạo thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), trụ trì chùa Phật Quang đang khiếu nại quyết định cưỡng chế một số hạng mục của chùa lấn chiếm đất rừng.
Chiều 4/10, trả lời Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, ông Thích Chân Quang (trụ trì chùa Phật Quang) đang khiếu nại quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng liên quan đến việc lấn chiếm đất rừng nhiều năm.
“Vừa qua, chúng tôi đã có quyết định cưỡng chế một số hạng mục vi phạm của chùa Phật Quang, tuy nhiên ông Quang không đồng ý và đang khiếu nại quyết định của chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng đang cho thanh tra làm việc ” , Phó Chủ tịch thị xã Phú Mỹ nói.
Liên quan việc xây dựng, lấn chiếm rừng phòng hộ của chùa Phật Quang, tháng 3/2024, UBND thị xã Phú Mỹ ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm do ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) làm trụ trì.
Lực lượng chức năng thị xã Phú Mỹ xác định, thời gian chiếm đất rừng để xây dựng các công trình của chùa Phật Quang là ngày 3/6/2021.
Cụ thể, công trình chùa Phật Quang đã chiếm đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.418,25m2 (thuộc tiểu khu Tân Hòa rừng phòng hộ núi Dinh, thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ), để xây dựng các hạng mục trái pháp luật, gồm: đường bê tông diện tích 810m2; nhà vệ sinh diện tích 308,25m; nhà kho diện tích 300m.
Trước đó, thông tin ông Thích Chân Quang không có tên trong danh sách dự thi và cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa thi ngày 6/6/1989 gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, ngày 30/7 Sở GD&ĐT TP.HCM có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Nội vụ thông qua giấy giới thiệu về việc xác minh quá trình học tập ông Thích Chân Quang.
Qua buổi làm việc, Sở này phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận không có ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, SN 1959) trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Đồng thời, ông Vương Tấn Việt cũng không có trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Ông Thích Chân Quang cũng từng gây xôn xao khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng.
Đại diện trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và quyết định của nhà trường.
Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo nội dung liên quan tới quá trình học tập của ông Thích Chân Quang.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định.