Dư luận bức xúc khi loạt nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn có yếu tố nhạy cảm về chính trị, thậm chí công khai nói xấu đất nước, nói xấu lãnh tụ… vẫn được “lên sóng”.
Liên tiếp phát hiện nghệ sĩ phát ngôn ngông cuồng, hành vi lệch chuẩn
Gần đây, nhiều trường hợp nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn đạo đức, phát ngôn không phù hợp, thiếu ý thức chính trị gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Ngày 19/10, ca sĩ Myra Trần biểu diễn tại concert Anh trai say hi, vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ khán giả. Trước đó, hình ảnh ca sĩ này biểu diễn trên một sân khấu tại Mỹ có treo cờ cờ chế độ cũ bị lan truyền.
Thời điểm vướng ồn ào, Myra Trần bị cắt hình ảnh trong một tập của Anh trai say hi. Dù đã lên tiếng xin lỗi, việc nữ ca sĩ xuất hiện, biểu diễn trở lại tại đêm nhạc hôm 19/10 vẫn khiến dân mạng bức xúc.
Hay như trường hợp của Negav, nam rapper trẻ bị chỉ trích vì phát ngôn về chuyện nghỉ học cùng hàng loạt những bài viết, bình luận tục tĩu, không đúng chuẩn mực trên mạng xã hội.
Vụ việc khiến Negav phải trả giá: Bị một số nhãn hàng hủy hợp đồng quảng cáo, bị rút khỏi concert Anh trai say hi, từ gương mặt được yêu thích trở thành cái tên bị dư luận tẩy chay. Tương tự như trường hợp của Myra Trần, dù Negav đã 4 lần xin lỗi, khán giả vẫn khó chấp nhận.
Chỉ tính riêng năm nay, làng giải trí Việt liên tiếp xảy ra những vụ việc gây tranh cãi về ứng xử, đời tư của nghệ sĩ, khiến khán giả không khỏi ngán ngẩm.
Hồi tháng 8, Hoa hậu Phương Lê bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt hành chính vì chế lời Quốc ca (bài Tiến quân ca). Tương tự, hoa khôi, ca sĩ Nam Em cũng bị xử phạt 37,5 triệu đồng sau các phát ngôn ngông cuồng, các buổi livestream có nội dung tiêu cực hồi tháng 3.
Tháng 9, ngay khi vừa được công bố làm HLV chương trình Rap Việt mùa 4, rapper B Ray liên tục bị “gọi tên”. Theo đó, trong các dòng trạng thái và bình luận trên trang cá nhân của mình vào khoảng những năm 2015-2016, B Ray đã công khai nói xấu Việt Nam, buông lời giễu cợt về lãnh tụ…
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã nhắc nhở nghiêm khắc B Ray về việc tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của nghệ sĩ đối với khán giả, ứng xử nơi công cộng, tuân thủ quy định pháp luật và Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật.
Cấm sóng những nghệ sĩ “lệch chuẩn”?
Liên tiếp các vụ ồn ào của giới giải trí khiến khán giả và giới chuyên gia một lần nữa đặt dấu hỏi về ranh giới xử phạt khi nghệ sĩ “đi chệch đường ray”. Liệu nhắc nhở, xử phạt hành chính có phải là biện pháp phù hợp? Có nên cấm sóng, cấm biểu diễn những người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn? Nên làm gì để nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ đối với cộng đồng?
Một số ý kiến cho rằng sự nuông chiều, dễ dãi của các nhóm người hâm mộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới văn nghệ sĩ Việt Nam chưa nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn hình ảnh, lối sống chuẩn mực.
Điển hình như trường hợp của rapper Negav. Dù ca sĩ có nhiều hành vi, phát ngôn kém văn minh, nhóm fan của anh vẫn cho rằng đây chỉ là tranh cãi nhỏ nhặt và sẵn sàng tha thứ.
Tại concert Anh trai say hi hôm 19/10, Negav vắng mặt vì ồn ào ứng xử nhưng rất đông khán giả vẫn mang bảng hiệu cổ vũ, hô tên nam ca sĩ, khẳng định luôn chào đón anh trở lại trong thời gian tới.
Nhiều người cho rằng ở các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, những vụ ồn ào vi phạm đạo đức, lối sống của giới nghệ sĩ thường vấp phải phản ứng tiêu cực, khắt khe từ khán giả và cơ quan quản lý. Nhiều trường hợp vướng ồn ào đời tư, ứng xử không chuẩn mực phải trả giá đắt như bị khán giả quay lưng, bị cấm biểu diễn, hạn chế xuất hiện trên truyền hình, khó khôi phục danh tiếng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, từ năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, khán giả cho rằng các quy tắc này chỉ mang tính định hướng. Ngoài ra, nhiều khái niệm, tình huống không dễ để xác định rõ ràng thế nào là “vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức”.
Trên thực tế, vẫn có nhiều nghệ sĩ chưa nhận thức và ý thức về quy tắc cơ bản này. Chế tài xử phạt đối với những nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực cũng được cho là khá “nhẹ nhàng”. Những tranh cãi về việc “có nên cấm sóng người nổi tiếng” hay không đã được bàn luận nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh những sự việc ồn ào.
Sau khi bị phát hiện biểu diễn trên sân khấu tại Mỹ có cờ chế độ cũ, Myra Trần vẫn hoạt động đều đặn (Ảnh: Facebook nhân vật).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – cho biết, bộ Quy tắc ứng xử dành cho người làm nghệ thuật là giải pháp điều chỉnh, qua đó nghệ sĩ có thể “soi” vào để xem hành vi, ứng xử của mình.
“Ngoài việc thực hiện theo Quy tắc ứng xử Bộ VH-TT&DL ban hành, họ phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Ở điều 3, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ nếu công dân Việt Nam, nghệ sĩ có tác động xấu đến tâm lý xã hội là điều không nên.
Nghị định trên cũng quy định rõ, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng thuộc quyền quản lý của các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh, họ đã được UBND các tỉnh phân cấp quản lý. Vì thế, các Sở này sẽ tiếp nhận và xử lý nếu có sự cố xảy ra”, NSND Trần Ly Ly chia sẻ.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói thêm, không chỉ nghệ sĩ mà mọi công dân đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì họ sẽ bị xử lý theo luật hiện hành.
“Quy định về nghệ thuật biểu diễn đã phân các địa phương, nếu có yêu cầu cao hơn, các Sở sẽ phải báo cáo Bộ VH-TT&DL để xử lý theo đúng quy trình, quy định”, bà Trần Ly Ly nói.
NSND Lê Tiến Thọ – nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, chia sẻ thêm với phóng viên, một số nghệ sĩ “không sợ” Quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL ban hành, vì hoạt động biểu diễn đã phân về cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, khâu quản lý của địa phương lại đang lỏng lẻo nên nhiều người đã phát ngôn, ứng xử chưa chuẩn thời gian qua.
NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng tình trạng gần đây có nhiều nghệ sĩ như Myra Trần, Negav, B Ray… ứng xử, phát ngôn lệch chuẩn vì chưa hiểu được mức độ nghiêm trọng của hành vi họ gây ra. Vì là người của công chúng nên những hành vi ấy sẽ ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
“Nếu làm mạnh, có thể cấm sóng những nghệ sĩ này. Bộ TT&TT và Bộ VH-TT&DL phải đồng bộ trong việc cấm sóng này thì nghệ sĩ sẽ tiết chế hơn trong việc phát ngôn, ứng xử với công chúng”, ông Thọ nêu ý kiến.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, hiện nay các hoạt động về biểu diễn rất nhiều, một đêm có thể có 2-3 cuộc thi hoa hậu và vô số chương trình biểu diễn nên các địa phương “ôm không xuể”.
“Nên đặt ra một cái “barie” (giới hạn – PV) theo mức độ vi phạm, nếu lần một nhắc nhở, lần 2 cảnh cáo, lần 3 là cấm sóng thì mới giảm được những việc ồn ào như thời gian qua. Bộ VH-TT&DL có thể ra văn bản quản lý, có những quy định phạt mạnh tay, nhưng địa phương cũng phải chung tay làm nghiêm túc, vừa tiền kiểm vừa hậu kiểm thì mới có những nghệ sĩ đủ cả đức và tài”, NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn.
Đồng ý với ý kiến của ông Lê Tiến Thọ, NSND Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – cho biết, Quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL ban hành chỉ mang tính chất khuyến cáo. Do đó, nghệ sĩ có thể nghe khuyến cáo, có thể không và đây chưa phải là biện pháp mạnh khiến nghệ sĩ đi đúng “đường ray”.
“Phải có chế tài mạnh hơn, ví dụ như cấm sóng, thì mới hạn chế được những ồn ào như việc phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn thời gian qua. Các địa phương cũng nên nghiêm túc trong việc cấp giấy phép biểu diễn. Nếu nghệ sĩ từng bị phản ứng, thì có thể xem xét việc có nên biểu diễn nữa hay không”, ông Vương Duy Biên cho biết.
NSƯT Hạnh Thúy – Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh TPHCM – bày tỏ quan điểm ủng hộ biện pháp cấm sóng, cấm biểu diễn đối với người nổi tiếng có hành vi không chuẩn mực: “Nghệ sĩ chân chính luôn ủng hộ điều này, vì họ có ý thức thượng tôn pháp luật, làm việc và cống hiến, làm đẹp cho cuộc sống. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ cũng luôn muốn có một môi trường hoạt động nghệ thuật tử tế, kỷ cương”.
Không để “con sâu làm rầu nồi canh”
Nhiều người nhận định, những vụ ồn ào liên tiếp trong giới giải trí khiến hình ảnh văn nghệ sĩ trở nên tiêu cực trong mắt công chúng. Khán giả cũng bày tỏ sự thất vọng khi tình trạng ứng xử kém, đạo đức lệch chuẩn trong làng giải trí, đồng nghĩa với việc ý thức của một bộ phận nghệ sĩ hiện nay không cao.
Tuy nhiên, giới chuyên môn, người trong nghề lại không quá bi quan về điều này. Trao đổi với chúng tôi, một số người làm công tác quản lý nghệ thuật, cho rằng nghệ sĩ vướng tranh cãi chỉ là bộ phận nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh”, không đại diện cho toàn bộ những người làm nghệ thuật.
NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – cho rằng khái niệm “nghệ sĩ”, “ngôi sao” không dành chung cho tất cả. Các vụ việc ồn ào về ứng xử, đạo đức diễn ra với một bộ phận “người nổi tiếng”.
“Đã là nghệ sĩ lớn, là ngôi sao lớn thực sự, thì tự thân ý thức của người ta sẽ biết chuẩn mực, khiêm tốn, biết được họ sống vì sự yêu quý của công chúng như thế nào”, NSND Trần Ngọc Giàu đưa ra ý kiến.
Đồng quan điểm nói trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết: “Có những nghệ sĩ phát ngôn chưa đúng, hành vi sai trái. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận đó chỉ là bộ phận nhỏ. Nhìn bức tranh tổng thể, giới văn nghệ sĩ TPHCM đa số rất ý thức về trách nhiệm của nghệ sĩ, trách nhiệm công dân, những ảnh hưởng của người nổi tiếng đến công chúng.
Đặc biệt, tôi đánh giá lớp nghệ sĩ trẻ rất có ý thức, thường xuyên đóng góp cho phong trào văn hóa chính trị, những hoạt động vì cộng đồng, từ đợt dịch Covid-19 đến gần đây là bão Yagi”, bà Ngọc Diễm chia sẻ.
Phó Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cũng nhận định thêm, với những bộ phận nghệ sĩ có hành vi, đạo đức không chuẩn, thì họ sẽ bị đào thải khỏi nghề. “Nếu nghệ sĩ vi phạm những quy định của pháp luật, chắc chắn Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ xử phạt nghiêm khắc”, bà Ngọc Diễm nói.
NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội – cho biết, ông thường xuyên nhắc nhở nghệ sĩ của Nhà hát về những ứng xử trên mạng, ngoài xã hội.
“Càng có danh hiệu, càng là nghệ sĩ lớn thì càng phải ý thức được nghề nghiệp của mình để các em trẻ nhìn vào. Tôi chưa bao giờ vỗ ngực mình là NSND. Mỗi khi ra biểu diễn, tôi vẫn hồi hộp như những ngày đầu. Vì thế, chúng tôi đều tự bảo nhau để không bị nhắc nhở, không phát ngôn lung tung trên mạng xã hội, không nhận quảng cáo tràn lan”, NSND Trung Hiếu cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng việc đưa ra những bộ quy tắc ứng xử, những chế tài xử lý là mong muốn của cơ quan quản lý và người làm nghề chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng cần có ê-kíp quản lý chỉn chu, chặt chẽ hơn.
“Tôi vẫn hy vọng các cơ quan quản lý sẽ phối hợp cùng nhiều bộ ban ngành, có những tiêu chuẩn quản lý hợp tình lý và mang tính quy chuẩn hơn, để những thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp theo họ có nhận thức sâu rộng, hiểu rằng họ được làm gì, sáng tạo trong ranh giới nào của ngành”, ông Hồng Quang Minh cho hay.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Biện pháp này nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm.