Chuyên gia cảnh báo những người thuộc 2 nhóm này có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn.
Ths.BS Trần Đăng Khoa, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM) cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính kết hợp nhiễm độc tố do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Khi tiến vào cơ thể, vi khuẩn bạch hầu tạo ra sang thương là lớp giả mạc màu trắng xám hoặc trắng ngà ở đường hô hấp trên, đây là lý do tại sao bệnh có tên là “bạch hầu”.
Lớp giả mạc bạch hầu có tính chất khác với giả mạc của các bệnh khác. Giả mạc do bệnh bạch hầu gây ra thường rất dai, không tan trong nước, dính chặt vào lớp thượng bì nên rất khó bong tróc và dễ gây chảy máu.
Giả mạc thường xuất hiện ở mũi, họng, amidan, thanh quản… sau đó có thể lan rộng nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Khoa cho rằng, vi khuẩn bạch hầu có thể tạo ra độc tố, làm bệnh diễn tiến nặng hơn với các biến chứng như: viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh…. Dòng vi khuẩn bạch hầu gây bệnh ở da thường không tiết độc tố.
Tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 30-40% đối với trường hợp bệnh nặng, giả mạc lan rộng gây tắc nghẽn hô hấp hoặc có biến chứng mà không điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong cũng có thể tăng đến 50% trong mùa dịch.
Nếu bệnh nhân được dùng kháng độc tố bạch hầu (SAD) thì tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống còn khoảng 5-10%, nhưng hiện nay nguồn cung cấp còn rất hạn chế.
Hai nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bạch hầu
Bác sĩ Khoa cho biết, vi khuẩn bạch hầu có thể sống khoảng 2-3 tuần ở ngoài môi trường, trên bề mặt khô của các vật dụng như: giường bệnh, bàn ghế, đồ chơi, sách, bút, tay nắm cửa… Đôi khi chúng có thể tồn tại trong nước, sữa.
Bệnh bạch hầu chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp và qua tiếp xúc:
– Khi bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn ho, sổ mũi, các hạt nước bọt li ti chứa vi khuẩn sẽ văng ra ngoài và lây vào đường hô hấp của người chưa mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan khi người lành tiếp xúc trực tiếp hoặc chạm vào các dịch chất ở sang thương da của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
– Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi một người tiếp xúc hoặc chạm vào các bề mặt như giường bệnh, bàn ghế, đồ chơi, sách, bút, tay nắm cửa… chứa vi khuẩn.
“Đường lây của bệnh bạch hầu cũng tương tự như đường lây của các bệnh hô hấp khác (Covid-19, sởi….)”, bác sĩ Khoa cho hay.
Bác sĩ Khoa cho biết 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao là: Người không tiêm phòng vắc xin và người tiêm vắc xin nhưng tiêm không đủ liểu.
Trong vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu, khoảng 3-5% người khoẻ mạnh có thể mang vi khuẩn ở vùng hầu họng mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh trong cộng đồng.